Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Tánh thấy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm



I/Dẫn Nhập

   Những lời chỉ dạy của Phật cho các đệ tử thì được gọi là kinh , còn những điều ngăn cấm thì gọi là luật .trong tam tạng kinh điển thì Luận là những gì mà các đệ tử chứng ngộ của Phật viết ra nhằm làm sáng tỏ những điều Phật nói.Hệ thống giáo lý trong Kinh điển của Phật giáo được chia ra làm hai hệ lớn là Kinh tạng Nam truyền và Kinh tạng Bắc truyền.Những bản kinh của hệ thống thì gần như được gìn giữ nguyên vẹn được viết bằng chữ Pali do các nước như Tích Lan , Myanma, Thái Lan , Lào , Cambo...Còn hệ thống Kinh Bắc truyền hay còn gọi là Đại Thừa Phật giáo thì kinh điển được viết bằng ngôn ngữ Sankric .Sau khi kinh điển được truyền qua Trung Hoa và phiên dịch thì nguyên bản tiếng phạn đa số đều bị thất lạc .Trong giới tu học của phật giáo Trung Hoa thì bộ kinh được coi là quan trọng nhất chính là Kinh Lăng Nghiêm .Mặc dù không còn bản Phạn ngữ nhưng các hành giả tu tập đều coi đây là bộ kinh gối đầu giường không thể thiếu trong quá trình tu tập để giải thoát giác ngộ .Các phương pháp và giáo lý trong kinh hết sức thâm sâu , là kim chỉ nam để cho hành giả thấy rõ được con đường dẫn đến kiến tánh thành Phật .Tánh thấy được đề cập rất rõ trong Kinh Lăng Nghiêm khi Đức Phật cùng Ngài A-Nan đối thoại.Đây là một giáo lý tối quan trọng cho người tu học , vì thế người viết đã chọn đề tài “Tánh thấy trong Kinh Lăng Nghiêm ” để giới thiệu tư tưởng này cho mọi người cùng biết .Mặc dù kiến thức còn nhiều hạn chế nhưng với tấm lòng muốn đem giáo pháp mầu nhiệm này cho mọi người cùng biết nên người viết đã dùng biện pháp tổng hợp và phân tích những kiến giải trong kinh luận và những lời chỉ dạy của các vị tôn túc Hòa thượng , thượng tọa qua sách báo và băng đĩa .Với mong ước là những giáo lý có tính áp dụng vào trong cuộc sống hiện nay  cần được lưu bố để chuyển hóa khổ đau những khổ đau bế tắc của con người hiện đại .Con người sẽ thấy được chân hạnh phúc qua lời Phật dạy .















II.Nội Dung
  1.Giới thiệu về Kinh lăng Nghiêm
      Kinh Thủ Lăng Nghiêm có tên đầy đủ là Đai Phật Đỉnh Như lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh thủ lăng Nghiêm .Kinh có mười chương, mỗi chương đề cập đến một chủ đề .Đây là Bộ Kinh do Đức Phật nhân sự kiện Ngài A-Nan –Đà đi khất thực , đến làng của giai cấp của Thủ Đà La thì gặp nan do thiếu nữ Ma-Đăng –Già dùng tà chú làm mê hoặc .Phật đã sai Bồ Tát Đại Trí Văn Thù đến tuyên thuyết chú Lăng Nghiêm để phá tà chú của Ma Đăng Già để giải cứu A Nan khi đang bị sự chi phối của tà chú .Sau đó áp giải cả A Nan và Ma Đăng Già ra mắt Đức Phật.
    Nội dung của chương 1: của kinh nói về xuất xứ của thần chú Lăng nghiêm và hoàn cảnh của ngài A-Nan gần đánh mất giới thể do đánh mất chánh niệm khi gặp Ma-Đăng Già và say mê cô này.
   Chương hai: Đức Phật nói về tâm, và khẳng định tâm là hệ quy chiếu của sanh tử , khổ đau và Niết bàn, phàm và thánh.Cuộc thảo luận của Đức Phật và tôn giả A-nan cũng xoay vị trí của tâm.
   Chương 3:Giải thích mối quan hệ của tâm và đối tượng phân biệt .Bao gồm hình sắc đối với mắt , các âm thanh đối với tai ,những mùi vị hấp hẫn cũng như khó chịu đối với mũi , các vị ngọt của thức ăn cũng như đắng cay mặn ngọt đối với lưỡi , cảm giác nóng lạnh dễ chịu , khó chịu đối với thân .Các ý tưởng về quá khứ , hiện tại vị lai , tư duy , sáng tạo , các hoạt động trí óc đối với ý thức .Tâm vượt ra khỏi mọi phạm trù , ý niệm hòa hợp hay không hòa hợp .Tâm trong Kinh được coi là đầu mối của các cấp độ tâm linh, và tương thích đối với nhân quả trong quá trình sống của con người.Mối quan hệ giữa tâm về 5 ấm , 6 nhập, 12 xứ , 18 giới , 7 yếu tố phổ quát được phân tích rất rõ ràng khúc chiết trong chương này .
 Chương 4: Khái quát về bản chất của 4 đại như Đất ,nước ,gió ,lữa .Mối quan hệ giữa không và sắc ,sắc và không , vật thể và tính không tự thể, không tự thể và vật thể  được thảo luận rất sâu sắc  ,chiêu sâu.Đề cập đến cảnh giới của chúng sanh đang sống và tâm tính của mỗi chúng sanh sống ở nơi đó .Đức Phật dạy tâm vọng tưởng là nguồn gốc của đầu mối của sanh tử luân hồi , chơn tâm thường trú là đầu mối của cảnh giới thánh .Các cảnh giới sống của chúng sanh .Như lai tạng là nơi chứa các hạt giống phật, thánh , người và các loài chúng sanh.Đặc biệt cũng khai thị về bản chất của tánh nghe.Mỗi hoạt động về thấy nghe , hiểu biết là hoạt đông không ngừng ..
 Chương 5  Vô minh là nguồn góc của sanh tử luân hồi , nếu không chuyển hóa vô minh thì mãi mãi chìm trong sanh tử luân hồi . Dưới tác động của các giác quan nếu không chuyển hóa vô minh thì sẽ bị trôi mãi trong dòng sanh tử .Chân lý của các đức phật là đồng nhau , như Tứ diệu đế , vô thường , vô ngã , duyên khởi , thập nhị nhân duyên .Hai bốn vị Bồ tát trình bày về nguyên nhân chứng ngộ của mình.Các pháp môn này đưa đến quả chứng tối thiếu là A-La-Hán .
  Chương 6 Bồ tát Quán Thế Âm trình bày phương pháp tu Nhĩ căn viên thông và được đức Phật xác nhận đây là pháp môn tối ưu cho chúng sanh ở cõi Ta –Bà , phù hợp với đa số quần chúng. Tuy theo hoàn cảnh mà Bồ tát Quán Thế Âm ứng thân ra 32 tướng để truyền bá chánh pháp , bốn vô úy luôn đồng hành cùng người truyền đạo .
 Chương 7 Giới thiệu về tâm lực của thần chú Thủ Lăng nghiêm.Đây là chương giới thiệu về Mật tông tại Trung Quốc .
 Chương 8 các phương pháp và các tiến trình  tu chứng , biên chứng về khổ và vui.Các loại khổ do 6 giác quan gây ra.
Chương 9 Giới thiệu về 2 cảnh giới Sắc giới và vô sắc giới , 4 loại A –tu- la .Việc giới thiệu chi tiết về ngũ Ấm ma :Sắc ấm , thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm , thức ấm
 Chương 10 Giới thiệu thêm về hành ảnh và thức ấm trong quá trình tu tập .
2.Bản chất của tánh thấy.
   Tánh thấy vốn thường trú , vốn không sanh không diệt .Moi sự vật hiện tượng thì chịu sự chi phối của vô thường , sanh diệt không ngừng .Tánh thấy là chơn tâm thường còn, vượt ra ngoài các phạm trù lớn nhỏ , dài ngắn , nhiễm tịnh , gần xa, vốn không sanh không diệt mà luôn thường trú.Vượt qua là , chẳng phải là , hòa hợp hay không hòa hợp .Tánh thấy không thể dung ý niệm , suy nghĩ mà nhận biết , nắm bắt được.Cái thấy của chúng sanh là do nhân duyên giữa mắt và vật mà sinh khởi .Nếu xem cái thấy là ngã thì lập trường ấy không vững vì cái thấy đó là do sự cảm nghiệm mà sanh ra .Tánh thấy thì thường còn chưa từng sanh ra cũng chứ hề mất đi.Lời Phật dạy cũng là hoạt động để đưa con người vượt thoát sanh tử làm chủ được bản tâm,còn hoạt động của chúng sanh thì dẫn đến sanh tử
 Tánh thấy trong Kinh Thủ Lăng được ví dụ như là , bàn tay , sóng , ngón tay chỉ trăng , chủ khách sạn , mặt trăng.
  Đức Phật dùng hình ảnh bàn tay để dạy cho đại chúng là bàn tay có trở có úp , có ngược có chính để ví dụ cho tâm sáng suốt của Phật và tâm mê lầm của chúng sanh .Đồng một bàn tay mà thấy có xuôi có ngược cũng như đồng một tâm tánh mà thấy có năng có sở.Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm có chép :“ Phật liền đưa cánh tay lên và bảo ông A Nan rằng : cái trái ngược như thế , chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau ;các người thế gian lắp đi lắp lại mà xem thấy .Nay lấy cái thân ông và pháp thân thanh tịnh của chư Như Lai , so theo đó mà phát minh , thì thân của Như lai gọi là hình Biến Tri , thân của các ông gọi là tính trái ngược; tùy ông xét kỹ nơi thân ông và thân Phật , cái gọi là trái ngược đó , do ở chổ nào mà gọi là trái ngược ?”.Tâm tính duyên khởi mà sanh ra muôn sự muôn vật , ra thân , ra cảnh , các danh tướng .Chúng sanh lầm chấp không nhận ra tâm rộng lớn là mình mà chỉ coi ý thức phân biệt là tâm .Bỏ đi cái bất sanh bất diệt mà đi nhận lấy cái sinh diệt là mình nên có sống và chết.
  Đức Phật mượn hình ảnh ngón tay chỉ mặt trăng là muốn nói chúng sanh khi nghe đến  phương pháp tu tập để chứng nhập tánh thấy thì lại chấp đó là chân lý . Chấp chặt phương tiện mà không chịu nổ lực tu tập để chứng nhập cảnh giới giải thoát .Chỉ vì nhìn nhận sai lầm mà sinh ra những tranh chấp trong khi tìm hiểu giáo lý của Đức Như lai.cảnh giới giải thoát đã được Đức Phật chỉ dạy tuy là không thể nghĩ bàn , siêu việt ngôn ngữ và tư duy thế tục , thế nhưng con đường dẫn tới cảnh giới đó được đức Phật miêu tả, giảng dạy  bằng ngôn ngữ và sau được chép bằng văn tự , đó là con đường Giới –định –tuệ .Đó là con đường mà mỗi người tự mình cố gắng bướt tới bằng nổ lực của bản thân trong từng giây phúc .Nhờ ngón tay chỉ thì mới thấy được mặt trăng , do đó cần phải hiểu rõ mặt trăng không phải là ngón tay  , ngón tay chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh .Phật bảo ông A Nan : “Bọn ông còn lấy tâm phan duyên nghe pháp thì cái pháp nhận được đó cũng chỉ là sở duyên , chứ không phải nhận được pháp tính .Ví như người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thì người kia lẽ ra phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng .Nếu người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng thì người ấy  chẳng những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay chỉ nữa ”.[1]Nếu coi ngón tay là mặt trăng thì trái cả ý muốn của người chỉ mà còn không phân biệt được sang tối .Đức Phật thuyết pháp cũng thế , vì muốn cho chúng sanh giác ngộ , trực nhận tâm tính .Nhưng chúng sanh lại nhận Phật pháp là tâm tính thì chẳng những trái ý muốn của thuyết Pháp của Phật mà còn không phân biệt đâu là mê, đâu là ngộ .
  Hình ảnh người chủ khách sạn là bài học sâu sắc mà đức Phật chỉ cho ta thấy chơn tâm chính là ông chủ , còn vọng tâm chỉ là khách trần.Người chủ khách sạn thì không đi không đến mà luôn ở nhà mình , còn những người khác thì lúc ở lúc đi chứ không thường trú .Cũng thế chơn tâm thì bất sanh bất diệt , thường còn chẳng mất , còn khách trần thì do tiền ngũ thức nhận diện cảnh vật trong hiện tại mà phát sanh ra , sanh diệt không ngừng cũng như những người khách ở trọ , không ở lâu dài trong khách sạn . Dù cho bỏ hết các sự phân biệt tiền trần riêng giữ một cái không
  Qua hình ảnh sóng biển đức Phật dạy tánh thấy của con người như là biển cả bao la chứ không phải là ngọn sóng nhỏ .Tâm lăng xăng vọng chấp thì như là sóng , còn bản tánh thanh tịnh chơn như thì rộng lớn như biển .Chúng sanh thì chấp lấy bọt nước mà cho là mình coi nó là nước cuat toàn thiên hạ , không hề quay lại nhận lấy cái rộng lớn bao la của tự tánh.Sóng biển thì muôn hình vạn trạng nhưng bản chất thì cũng không rời khỏi tánh nước .Bổn tánh của chúng sanh vốn luôn thanh tịnh giải thoát , nhưng vì điên đảo mà con người lại chạy theo trần cảnh rồi chấp lấy tâm vọng tưởng cho là mình .Nếu tỉnh giác quay trở về với bản tánh vốn bất sanh bất diệt vốn có của chính mình thì cũng như sóng hòa nhập với nước đại dương , không còn phân biệt năng sở , bỉ thử.
  Đức Phật dạy bản chất tánh thấy như mặt trăng tròn đầy , còn hình ảnh mặt trăng in dưới đáy nước không phải là mặt trăng thật , nó chỉ là hình ảnh phản chiếu của mặt trăng .Tính linh minh không phải là chơn tâm , nó cũng chỉ là hình ảnh của điên đảo vọng tưởng của tâm sanh ra . Không nên chấp nó là chơn tâm rồi khởi tâm phân biệt .Mặt trăng chơn tâm thường trú thì luôn phát sanh tuệ giác giải thoát , còn tính linh minh chỉ là cái biết của sự phân biệt , cái trí do học hỏi , suy nghĩ mà có .Cũng như mặt trăng đáy nước không thể là mặt trăng thật .
 3.Tánh thấy trong Thiền tông
   Tư tưởng kiến tánh thành phật đã được áp dụng rộng rải trong Thiền tông .Chỉ cần nhìn lại chơn tâm vốn có của mình thì có thể nhận ra được cái tánh không sanh không diệt trong thân sanh diệt này .Chúng sanh thì thường lầm chấp nhận cái vọng pháp  minh tánh là ngã của mình .Trong kinh Pháp bảo Đàn có chép về câu chuyện của Lục Tổ Huệ Năng như sau : “Ông Tiết Giản hỏi Đức Lục Tổ : “Chư vị thiền đức ở chốn kinh đô đều nói rằng : “Muốn được hiểu đạo phải ngồi thiền tập định .Nếu không nhờ thiền định mà được giải thoát là  điều không hề có.”Chưa rõ chổ dạy của Sư ra sao ?”Tổ đáp :“Đạo do tâm ngộ đâu phải ở ngồi .Kinh nói : Nếu nói Như Lai có ngồi có nằm , thì đó là hành tà đạo .Vì sao thế ?Không từ đâu đến cũng không đi về đâu , không có sanh , không có diệt , là pháp thiền trong sạch của Như Lai.Chư pháp không tịch đó là sự ngồi trong sạch của Như Lai .Rốt ráo không chổ chổ chứng , huống là ngồi ư ?”[2]
  Cái tánh thấy chẳng sanh diệt luôn hiển bày cùng với chổ thấy sanh diệt , thế mới biết trong thân có cái chẳng sanh chẳng diệt tồn tại .Như Tổ Lâm Tế thì nói nó là Vô vị chân nhân ,hay chủ nhân ông , hay là tâm bất sanh, dù nói danh từ nào thì cũng chỉ là pháp thân trong sạch dọc suốt ba tế , ngang khắp mười phương chứ đâu phải ràng buộc trong thân .Cái thấy ,cái nghe nhờ duyên duyên vào mắt , tai mà thấy , nghe; nếu lấy nó làm tâm thì lầm quyết định cho tâm trong sắc thân .Mọi vật bên ngoài như núi sông , đất nước đều là vật ở trong cái Chân Tâm Diệu Minh này.Như bóng trong gương , như trăng đáy nước .Nhận gương là ngộ , là mê trong ngộ , gọi là tánh điên đảo.
   Tổ Trường Sa nói rằng :“Nếu ta cứ một mực nêu cao thì trong pháp đường cỏ sẽ lên cao cả thước ! Cực chẳng đã mà nói với các ông ! “Cùng khắp mười phương thế giới là con mắt của Sa môn !Cùng khắp mười phương thế giới là toàn thân của Sa môn !!Cùng khắp mười phương thế giới là quang minh của chính mình!Cùng khắp mười phương thế giới không ai chẳng phải là chính mình .Ta thường nói với các ông :Ba đời chư Phật , pháp giới , chúng sanh là cái ánh sáng của Ma ha bát nhã ”.Bao nhiêu kiếp sống đã qua chúng ta đã chạy theo trần cảnh , bỏ hình bắt bóng , cái chân thật ta không nhớ nên chạy theo trăm thứ điên đảo .Bây giờ ta cần quay về nhận lại chủ nhân ông của chính mình thì mới thoát ly sanh tử .Theo Thiền Tông thì trong bốn hoạt động đi đứng nằm ngồi đều có thể tu tập được , cần chánh niệm trong từng giây từng phút để giữ lấy định tuệ mà ta từ lâu đã bỏ quên chạy theo trần cảnh .“Thanh kiếm trí tuệ chém sạch hết sáu trần không chấp , không kẹt .Không chấp thì ngồi thiền êm ru , không nghĩ , không tính .Vừa chợt nhớ liền tự nhắc “Nó giả dối , có thật đâu mà nhớ ” [3]




4.Áp dụng giáo pháp Tánh nghe trong cuộc sống.
   Cuộc sống của con người hiện nay luôn thường trực đối diện với những nỗi khổ niềm đau do chính con người tạo ra .Trong gia đình thì do cuộc sống mà mối quan hệ giữ vợ chồng hay giữa cha mẹ đối với con cái có những khoảng cách khác nhau .Do không hiểu nhau bởi cuộc sống mưu sinh nhiều áp lực , thời gian dành cho nhau thì ngày càng ít do những tiện nghi vật chất hiện đại mà con người đắm chìm vào Ti vi , máy tính .Những xung đột tâm lý mà người hiện tại phải đối ngày càng nhiều .Do không khéo chăm sóc tâm hồn mà chỉ để ý đến cuộc sống vật chất mà con người phải mang nhiều thứ bệnh thời đại như stress , thần kinh .Cuộc sống của nhiều gia đình luôn tìm ẩn sự tan vỡ do các thành viên không có sự truyền thông với nhau .Vợ và chồng do những ý kiến bất đồng và áp lực trong công việc mưu sinh mà luôn gây khổ đau cho nhau .Con cái đối với cha mẹ thì có sự xa cách do cha mẹ không có thời gian để tìm hiểu tâm lý của con cái mà chỉ lo cuộc sống vật chất .Ngoài xã hội thì con người càng này càng sống thực dụng , ưa chuộng vật chất mà quên đi đạo lý , đạo đức giữa con người với con người .Tệ nan xã hội ngày càng phát triển , tuổi trẻ phạm tội hình sự ngày càng nhiều, cả về mức độ nguy hiểm dã man.Chỉ vì tranh chấp chút ít tài sản mà cha mẹ với con cái kiện nhau ra tòa .Tình làng nghĩa xóm ngày càng phai nhạt trong các đô thị. Đạo đức truyền thống ngày càng bị lãng quên , cuộc sống thức dụng của Tây phương đang cuốn hút giới trẻ đi vào con đường hưởng thụ vật chất .Trong giáo dục thì dạy cách cho con người kiếm tiền mà không chú ý nhiều đến đạo đức làm người.Vì thế phương pháp thực tập lắng nghe nhau về nỗi khổ niềm đau lẫn hạnh phúc mà mọi người đang có đều có khả năng tháo gỡ những phiền muộn mà mọi người đang mắc phải .Vì thế phương pháp kiểm soát tâm để đối trị những lo âu , sợ hãi mà con người hiện đại mắc phải trong cuộc sống hiện nay là rất cần thiết.Bởi vì chỉ cần cha mẹ ngồi lại nghe con cái trình bày những tư tưởng và cảm xúc trong cuộc sống thường ngày thì mới có thể dạy dỗ con cái nên người .Con cái sẽ coi cha mẹ là người hiểu mình nhất , tình cảm cha mẹ với con cái ngày càng sâu sắc .Đó cũng chính là niềm hạnh phúc tuy giản đơn nhưng rất cần thiết trong cuộc sống gia đình .Vợ chồng đối với nhau cũng như thế , phải luôn biết lắng nghe nhau , nghe với tâm không thành kiến , không vì tự ngã của mình mà bác bỏ ý kiến của người nói .Trong cuộc sống ai cũng có những khó khăn riêng , vợ chồng là người cam kết sống với nhau trọn đời vì thế cần phải lắng và chia sẽ những khó mà đối phương mắc phải , chỉ cần ngồi im lặng lắng nghe là ta đã đem lại hạnh phúc cho người đó rồi .Từ đó cuộc sống lứa đôi sẽ tràn đầy hạnh phúc , vợ hiểu chồng ,chồng thương vợ thì những những khó khăn trong cuộc sống sẽ dễ dàng vượt qua .Nhân gian có câu sau lưng người đàn ông thành công là người vợ đảm đang .Phương pháp lắng nghe với tâm không phân biệt được áp dụng rộng rải trong cuộc sống thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn .Ai cũng biết lắng nghe nhau với tâm từ bi rộng mở thì những bất đồng trong cuộc sống sẽ dễ dàng giải quyết .Làng xóm láng giềng với nhau sẽ tương thân tương ái , luôn sẳn sàng tương trợ , tương thân khi có người gặp khó khăn .Xã hội ngày càng khổ đau thì phương pháp thực tập lắng nghe rất cần thiết , chỉ cần có một người biết lắng nỗi khổ của kẻ khác với tâm vô tư , không phê phán thì khi người nói trút bỏ hết những phiền muộn trong lòng thì người ấy sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng và tình cảm mà mình trao cho người ấy to lớn biết bao.Những nhà lãnh đạo biết lắng nghe những nguyện vọng của người dân thì xã hội sẽ phát triển công bình văn minh hơn .



















  III.Kết Luận
  Giáo lý của Đạo Phật chính là con đường duy nhất dẫn dắt con người vượt qua những khó khăn hiện nay .Lòng từ bi và trí tuệ của Phật giáo đã được thế giới công nhận là đạo của hòa bình .Liên hiệp quốc đã lấy ngày Đản sinh của Đức Phật làm ngày lễ của toàn thể nhân loại .Điều này nhằm tôn vinh những đóng góp của Phật giáo đối với con người từ lúc xuật hiện cho đến nay .Giáo pháp do Đức Phật để lại chính là bản đồ đưa con người vượt thoát khổ đau chứng nhập hạnh phúc chân thật .Các phương pháp tu tập mà Phật giáo đem đến cho con người cần được áp dụng , chứ không phải là lý thuyết triết học .Vì thế những người con Phật cần phải hiểu cho đúng những giáo lý thâm sâu mà đức Phật đã tuyên thuyết để có thể đem lại an lạc cho mình và người .Tánh nghe trong Kinh Lăng nghiêm đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng dạy và áp dụng rất thành công qua nhiều quốc gia.Với những pháp môn hấp dẫn cho con người thời hiện đại để giải quyết những bế tắc , nhiều căng thẳng trong đời sống .Đó chính là nhiệm vụ của những người con Phật có tâm huyết đến vận mạng của Phật giáo .Giáo Pháp cần khéo được tuyên thuyết và đem áp dụng .Cần loại bỏ những điều không cần thiết do tín ngưỡng dân gian đem vào trong Phật giáo để làm trong sáng lại giáo Pháp nguyên chất của Phật giáo .Đây cũng là một thách thức và vinh quan cho những người con Phật chân chánh trong công việc tu học hoằng dương chánh pháp nhằm báo đáp công ơn của Đức Thế Tôn . 
 Tài liệu tham khảo
1)Tâm Minh (biên dịch) Kinh Thủ Lăng Nghiêm , NXB .Tôn Giáo ,2007.
2)Thubten Osall Lama –Nhẫn Tế Thiền Sư , Lăng Nghiêm Tông Thông ,NXB Tôn Giáo ,2002.
3)Thích Thiện Hoa , Phật Học Phổ Thông , NXB THTP Hồ Chí Minh ,1997.
4)Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam,  NXB TP Hồ Chí Minh , 1995.
5)Thích Nhất Hạnh , Sen Nở Từng Cánh Hé , NXB .Văn Hóa Sài Gòn ,2012.
6)Thích Chơn Thiện , Phật Học Khái Luận , NXB .Tôn Giáo , 2005.


[1] Tâm Minh (Biên dịch ), Kinh Thủ Lăng Nghiêm , NXB .Tôn Giáo , 2007 .
[2] Thích Thanh Từ (dịch ), Pháp Bảo Đàn Kinh , NXB.Tôn Giáo , 1995.
[3] Thích Thanh Từ , Báo Giác Ngộ , trang 10 , 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét