Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Đi dọc đường quê

conduongxua.jpg
Con đường quê - Ảnh minh họa từ internet
 Bạn đã bao giờ có thú vui đi dọc đường quê?Đi bằng xe máy, xe đạp hoặc đi bộ - mỗi cách đi đều có cái thú riêng. Nhưng tất cả đều có tâm trạng chung: đi dọc đường quê để hưởng không khí trong lành, man mác và để hiểu thêm con người, cuộc sống của làng quê nơi miệt vườn, miệt ruộng…Chốn thị thành có cuộc sống tốc độ, xe chạy đêm ngày, xả khói mù mịt làm cay mắt người thì ở chốn làng quê, cuộc sống bao đời nay vẫn bình dị,yên lành. Bởi đất hiền lành nên con người nhân hậu, rộng mở, bao dung. Nước ngọt phù sa nên tình người sâu lắng. Họ sống quây quần trong tình làng nghĩa xóm thương yêu. Cứ thế, bao đời nối tiếp nhau, dẫu vật đổi sao dời nhưng tâm tánh ấy, nghĩa tình ấy không bao giờ thay đổi…
2. Đi dọc đường quê mùa này thơm ngạt ngào hoa bưởi. Bưởi da xanh vỏ xanh ruột hồng, bưởi Năm Roi hương vị ngọt ngào đã có chỗ đứng nơi đất lành chim đậu. Mùi hoa bưởi nồng nàn, thanh cao khiến lòng người khoan khoái. Thấp thoáng đâu đây mái tóc dài thơm lừng mùi hoa bưởi thuở nào…Trước mỗi nhà, đều bày ra chiếc bàn nho nhỏ. Trên chiếc bàn ấy, nào bưởi, đuđủ, mận chín, chôm chôm đỏ hồng. Thưởng thức trái cây tại vườn mới tuyệt vời làm sao! Dường như vị trái cây nồng nàn hơn bởi trái vừa chín tới và thơm hơn bởi tình quê thơm thảo đến nao lòng…
Phảng phất trong gió đâu đây là mùi chuối nướng, mùi bánh khoai mì nướng thật hấp dẫn trong chiều. Củ khoai mì được mài thành bột mịn, trộn với cơm dừa nạo, vắt thành chiếc bánh tròn và nướng trên lò than hồng. Vị ngọt khoai mì, vị béo của cơm dừa hòa quyện làm ta khó quên! Chuối xiêm vừa hườm chín, lột vỏ và nướng lên. Bẻ đôi trái chuối chín mềm, nhẹ đưa vào miệng tự nó tan dần trong mùi thơm quyến rũ. Món quà dân dã thôi của nơi làng quê sao lòng ta nhớ mãi đến bây giờ!
3. Đi dọc đường quê mùa này trái chín đỏ đầu cành. Có nhiều khi được mùa trái cây nhưng mất mùa giá. Trái cây Trung Quốc, Thái Lan một thời làm mưa làm gió trên thị trường. Riêng tôi, tôi vẫn thích trái cây của hương đồng cỏ nội; nó ngọt ngào, đầy hương thơm và đảm bảo “an toàn thực phẩm”! Ham hố gì ba thứ trái cây Trung Quốc, được tẩm hóa chất bảo quản,để cả mấy tháng trời vẫn không xuống sắc, xuống màu!
Trái cây Nam Bộ như con người Nam Bộ:chân chất, hiền lành và ngọt ngào tình nghĩa thủy chung. Có đi dọc đường quê, có tận mắt chứng kiến những liếp vườn mới bồi sình, vun gốc mới hiểu vì sao trái cây miền quê bao đời nay thơm lừng đến vậy! Có phải chăng những giọt mồhôi của người nông dân một nắng hai sương hòa lẫn mùi phù sa châu thổ, dâng tặng cho đời những mùa trái ngọt quê hương…
Thạch Hoài Lam

Lột xác

GN - Chúng tôi có phước duyên được sư phụ là HT.Thích Ngộ Tánh, Chánh đại diện Phật giáo thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chỉ dạy phụ trách môn Ngữvăn ở Lớp Sơ cấp Phật học đặt tại tổ đình Thiên Bửu (Ninh Hòa, Khánh Hòa) từkhóa I.
Do trình độcủa lớp học không đồng đều, có cô chú đang học cấp II, cấp III phổ thông, cũng có người nghỉ học từ lâu - hôm nay bắt đầu học lại môn Ngữ văn nên thời gianđầu nhận lớp, tôi thật sự lúng túng. Ban đầu chúng tôi hướng dẫn theo chương trình lớp 9 phổ thông, nhưng sau đó phát hiện có một số cô, chú sử dụng nguyên xi bài bài văn mẫu chép ra để nộp, tôi thay đổi “chiến thuật” chỉ sử dụng những bài kệ của chư Tổ hoặc kinh Pháp cú để hướng dẫn các cô chú. Mỗi lần đến giờ sửa và trả bài, những lỗi thường vấp phải trong bài viết của các cô chú, chúng tôi đều đưa ra phân tíchđể rút kinh nghiệm nhưng không nêu tên cụ thể vì sợ các chú mặc cảm.
Anh Thien than quet la GN 653.jpg
Chú tiểu trau dồi sở học - Ảnh minh họa của thiền viện Thường Chiếu
Trong số Tăng Ni sinh của khóa II, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là chú Bình với những lý do như: Chú là người miền Bắc duy nhất trong lớp gồm hơn 40 vị; chú lại là người lớn tuổi nhất lớp. Chú sinh năm 1977 trong một gia đình làm nông, từ giã quê hương Tiền Hải, Thái Bình vào lập nghiệp ở quê hương thứ hai là vùng đồi núi đất đỏ Đắk Lắk.
Năm 2003, chú xuất gia tại chùa Viên Ngộ với Hòa thượng bổn sư Thích Ngộ Tịnh. Một lần, chú Bình đã gặp riêng chúng tôi và tâm sự: “Thưa cô, do hoàn cảnh gia đình nên em học rất ít, mới hết bậc tiểu học, những bài giảng của cô em tiếp thu được nhưng để viết thành bài văn thì thật là khó, em sẽ cố gắng để theo kịp bạn bè, mong cô thông cảm cho em”. Thật là hiếm có người thẳng thắn và trung thực như chú nên kể từ đó chúng tôi quan tâm đến chú nhiều hơn trong vấn đề học tập.
Sau đó chú vào học trung cấp Phật học ở chùa Long Sơn (TP.Nha Trang) nên chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Năm 2008, tình cờ ra chùa Viên Ngộ chúng tôi gặp lại chú Bình. Trông chú chững chạc hơn nhiều và được biết chú đã thọ giới Sa-di, chú gửi tặng tôi đĩa CD kinh Pháp hoa và căn dặn: “Cô nhớ nghe đi nghe lại nhiều lần mới “thấm” vì Phật dạy rất hay”. Tôi cám ơn chú và rất mừng khi thấy chú không còn rụt rè như ngày xưa.
Sau một thời gian, tôi về tổ đình Thiên Bửu của sư phụ để tu tập Bát quan trai, chúng tôi gặp lại chú Bình ngày xưa - bây giờ là Đại đức Thích Tường Nguyện, trú xứ chùa Trùng Quang tận miền Bắc xa xôi. Thầy cho biết mùa An cư này thầy vào miền Trung nhập hạ và kết hợp vấn an sức khỏe của bổn sư thầy là Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh ở chùa Viên Ngộ (Ninh An, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là thầy phụ trách phần chia sẻ Phật pháp cho đại chúng trong đạo tràng Bát quan trai. Để có được nội dung bài giảng, thầy đã chuẩn bị rất công phu và chu đáo từ kiến thức Phật pháp cho đến bài kệ giải thích 6 chữ Nam-mô A Di Đà Phật đánh vi tính sẵn để phát cho đại chúng.
Chúng tôi thật sự ngưỡng mộvì biết thầy đã nỗ lực tu tập trong những năm tháng đã qua, thầy chia sẻ: “Thầy xuất gia vì lý tưởng muốn hoằng pháp độ sinh nên trong suốt những năm tháng họcở Trường Trung cấp Phật học, thầy đã góp nhặt những kiến thức về Phật pháp và không ngừng học hỏi nghiên cứu giáo lý thâm sâu vi diệu của Đức Bổn Sư để sau này về phục vụ lại cho quê hương thầy ở Nam Hải, Tiền Hải, Thái Bình”.
Bài pháp thoại rất giản dị như chính cuộc đời của mình nhưng thầy đã để lại ấn tượng tốt cho tất cả chúng tôi, những giới tử trong đạo tràng Bát quan trai ngày hôm ấy.
Từ một người hiền lành chất phác, bằng nghị lực của người con Phật, thầy đã trở thành một giảng sư có kinh nghiệm trong việc truyền đạt Phật pháp đến với đại chúng, thông qua buổi pháp thoại hôm ấy nhiều người rất tâm đắc, có Phật tử theo xin số điện thoại của thầy để thỉnh về chùa mình thuyết pháp. Thầy bảo: “Phật dạy tất cả đều do nhân duyên, nếu đủ duyên thầy trò sẽ gặp nhau, thầy không hứa hẹn sẽ về chùa nào cả”.
Riêng tôi, thầm cầu mong mười phương chư Phật gia hộ cho thầy vượt qua mọi chướng ngại, giữ vững sơ tâm để đi hết con đường mà mình đã chọn. Là những “Thiên thần quét lá”, là sứ giả của NhưLai, hoàn thành tâm nguyện của một tu sĩ đầy lòng nhiệt huyết.
Quảng Ấn (chùa Đức Hòa, Ninh Hòa)

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Con xin sám hối!!!

Chú tiểu Trí Trần viết: “Con xin sám hối MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT. Con xin sám hối SƯ PHỤ. Có lẽ con không xứng đáng mặc màu áo này. Con đã làm bẩn nó rồi. Có lẽ giờ đây hình phạt ra khỏi tăng đoàn là phùhợp với con. Con xin nhận hình phạt này”.
Chú tiểu Trí Trần viết: “Con xin sám hối MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT. Con xin sám hối SƯ PHỤ. Có lẽ con không xứng đáng mặc màu áo này. Con đã làm bẩn nó rồi. Có lẽ giờ đây hình phạt ra khỏi tăng đoàn là phùhợp với con. Con xin nhận hình phạt này”.
Ai trong chúng ta không khỏi xúc động trước tấm chân thành của chú tiểu Trí Trần xin sám hối và tự nguyện rời khỏi Tăng đoàn như thế?
Trí ơi, liệu con chọn phương cách rời khỏi Tăng đoàn là một giải pháp tối ưu để sám hối và tự trừng phạt mình cho thỏa cơn thịnh nộ của một số cư dân mạng???
Con biết rằng, một khi được quy y với Tam Bảo là một phúc duyên, được xuất gia là một căn phần tiền duyên hay ít nữa, con cũng đã gieo một chủng tử thoát tục hiện tại,. đó là một việc làm cao cả đối với con người, huống nữa là tuổi trẻ như con trong xã hội lắm tệ nạn hiện nay. Con à, sai phạm ai cũng phải có, “Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai” Chẳng lẽ mỗi lần sai phạm là một lần mình tự hủy hoại lý tưởng cao đẹp của mình? Mình xây dựng lý tưởng tâm linh bằng sự suông sẽ sao con? Nếu đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai? Sai phạm là bài học cho chúng ta sửa đổi, tu là sửa đổi như con đã nói, thế tại sao trước sự sai phạm được nhiều người chống báng, con lại không sửa mà lại từ bỏ? con muốn mọi người đều đồng tình sự sai phạm của con sao? Tất cả đồng tình là họ đã giết con đấy, con hãy cám ơn những phê phán gắt gao để thấy được lỗi lầm mà tiến lên sự vững chải cho lý tưởng con à!
Một số chú bác sửng sờ, xót xa nghe tin con xin từ bỏ Tăng đoàn, họ áy náy vì vô tình đã đẩy con ra khỏi nếp sống xuất gia của một mầm non. Hoàn toàn không ai có ý muốn đó, nhưng do phẩn nộ nhất thời đã đẩy con vào mặc cảm.
Con đã sám hối với chư Phật, với thầy tổ, con cũng nên sám hối với những ai quan tâm con, cho dù phê phán hay đồng tình; con cũng sám hối với song thân và bạn bè để cho con được trưởng dưỡng lòng khiêm hạ, tăng thêm công đức. Không giới luật nào khắc khe đến độ vừa sai phạm đã bị tẩn xuất. Con tự nguyện rời Tăng đoàn cũng là điều không nên, vì con chưa đủ bản lãnh đối diện với nghịch duyên, thì sau này con cũng sẽ thất bại trong cuộc sống còn nhiều chướng ngại. Chí nam nhi là phải đối diện để chuyển hóa chứ không trốn chạy, biết chấp nhận sự thật để tự sửa chứ không đầu hàng.
Con hãy bình tâm lắng đọng tự sám hối chính mình một thời gian nếu con còn tin vào thần lực và lòng từ của chư Phật. Còn nhiều tuổi trẻ sai phạm trầm trọng hơn con, nhưng con hơn họ là biết chấp nhận lỗi. Tất cả sẽ hoan hỷ trước tấm chân thành sám hối của con. Trên mạng, có biết bao chú tiểu biểu diễn những động thái bạo lực không thua người đời, nhưng có bao giờ bị khiển trách mà phải từ bỏ cuộc sống lý tưởng? Con hãy mạnh dạn ở lại với cộng đồng tu sĩ, ngày mai con sẽ trưởng thành và là người chững chạc, có ích cho đạo và đời con à! Sự sai phạm vừa rồi là do con đam mê nghệ thuật, quên mất chiếc áo đang mặc chứ không phải con cố tình bôi bẩn nhà tu. Những cô bác hiểu biết vẫn quý kính tuổi trẻ như con có tâm hồn nghệ thuật song song với tín tâm Tam Bảo, nhưng con chưa biết cách hòa điệu cuộc sống để tạo phản cảm thôi.
Chúc và mong con hãy ở bên thầy con một thời gian cho lắng đọng và thâm nhập thêm các bộ luật Tỳ Ni Nhật dụng của một người xuất gia, con sẽ thẩm thấu sâu xa tinh thần nhập thế của đạo Phật, lúc bấy giờ con sẽ hành xử vô ngại mà không hề bị phản cảm con nhé.
Một mầm non đáng thương, ý thức lỗi lầm như con, cô bác và chư Tăng đang đặt nhiều niềm tin một Tăng tài phát khởi từ sai lầm như sen mọc từ bùn lầy con à. Hãy cố lên, vui lên và tinh tấn mãi nhé!
MINH MẪN
13/8/2012

Bị phạt tù treo vì bất kính với hình tượng Phật giáo

 

Hình tượng Đức Phật rất thiêng liêng đối với người Sri Lanka

GNO - Ba khách du lịch Pháp đã bị kết án 6 tháng tù treo ở Sri Lanka vào hôm thứ Ba (21-8) sau khi những hình ảnh mà họ chụp được trong kỳ nghỉ đã tiết lộ cho thấy một trong số họ - một người phụ nữ - đã hôn lên môi một bức tượng Phật.
Cảnh sát cho biết, cả ba người - hai phụ nữ và một đàn ông - đã bị buộc tội làm ô nhiễm một ngôi chùa Phật giáo ở trung tâm thị trấn Kandy và bị phạt 1.500 rupee (11 USD) mỗi người.
Ngoài nụ hôn của người phụ nữ, người đàn ông còn cố gắng bắt chước tư thế của Đức Phật và hành động của họ đã làm tổn thương tình cảm của Phật tử ở quốc gia này, cảnh sát nói với một thẩm phán ở Galle.
Cảnh sát được báo cáo về vụ việc trên sau khi các du khách rửa các tấm ảnh trong kỳ nghỉ của họ.
"Nhân viên trong studio đã nhìn thấy những bức ảnh và thông báo cho cảnh sát Galle bắt giữ những du khách này vào hôm thứ Hai và vụ án đã được phán quyết vào ngày thứ Ba bởi vì họ đã nhận tội", phát ngôn viên cảnh sát, Ajith Rohana, nói.
Các du khách đã được tự do sau khi kết án và thẩm phán đã không đề nghị trục xuất họ ra khỏi đất nước, ông nói thêm.
Sri Lanka với đa số dân là Phật tử và rất nhạy cảm với việc người nước ngoài thiếu tôn trọng các hình tượng của Đức Phật. Đền chùa ở đây cấm khách du lịch đến thăm trừ khi họ ăn mặc chỉnh tề.
Được biết Sri Lanka đã ra lệnh cấm ngôi sao nhạc rap người Mỹ Akon vào 3-2010 với lý do ông này đã sản xuất một video âm nhạc trong đó có màn các phụ nữ mặc đồ hở hang đứng trước một bức tượng Phật.
Tám năm trước, tòa án tối cao Sri Lanka đã ra lệnh cho cảnh sát và hải quan thu giữ các sản phẩm nhạc Buddha Bar và bikini in hình Đức Phật sau khi các nhà sư than phiền rằng chúng đã làm tổn thương tình cảm tôn giáo của người dân địa phương.
Văn Công Hưng (Theo AFP)

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Suy ngẫm lời Phật dạy về đạo đức gia đình


Điểm qua tình hình của đời sống xã hội hiện nay, ngoài những việc chúng ta làm được, cũng không ít những điều đáng đau buồn. Ta thấy nhan nhản những tệ nạn xã hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ việc phát ngôn vô văn hóa, đến những hành vi trộm cướp, những vụ tai tiếng… chung quy là băng hoại lối sống và đạo đức. Khảo cứu những hiện tượng mất đạo đức trong xã hội, dù gián tiếp hay trực tiếp, người ta thấy có mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội, xem chừng chúng có mầm mống từ gia đình mà ra. Do vậy, phải bắt đầu nghiên cứu từ gia đình.
Gia đình đóng vai trò là tế bào của xã hội, nhưng bản thân nó lại giống như một xã hội thu nhỏ. Do vậy, quan hệ đạo đức trong gia đình là cái khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội. Trong kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda sùttra), Phật dạy bổn phận làm chồng có 5 điều đối với vợ và làm vợ cũng có 5 điều đối với chồng; bổn phận làm cha mẹ có 5 điều với con cái và con cái cũng có 5 điều với cha mẹ. Chẳng hạn:
“Vợ thờ chồng có năm việc:
 Một là chồng đi đâu về phải đứng dậy nghênh tiếp; Hai là khi chồng đi khỏi phải lo mọi việc nấu nướng, quét dọn chờ chồng về; Ba là không được có lòng dâm dục với người khác, chồng có trách mắng cũng không được có thái độ trách mắng lại; Bốn là hãy làm theo lời chồng răn dạy, có nhặt được vật gì cũng không được che giấu; Năm là khi chồng ngủ nghỉ, phải lo sắp xếp xong rồi mới ngủ.
 Chồng đối với vợ cũng có năm điều:
 Một là đi đâu phải cho vợ biết; Hai là việc ăn uống đúng giờ, cung cấp áo quần cho vợ;Ba là phải cung cấp vàng bạc châu báu; Bốn là những vật ở trong nhà nhiều ít đều phải giao phó cho vợ; Năm là không được ngoại tình, bằng cách nuôi dưỡng, hầu hạ, chuyển tài sản”.
Đây là mối quan hệ hai chiều sòng phẳng, nó khác hẳn với tư tưởng quan hệ một phía: Quân, Thần, Phụ, Tử và coi khinh phụ nữ (không có Mẫu) của Nho giáo. Ngẫm ra, người ta chỉ cần thực hiện đúng những lời dạy của Phật, thì thiết nghĩ gia đình trong thiên hạ hạnh phúc hơn rất nhiều. 
Trong gia đình, quan hệ vợ chồng là điểm xuất phát, làm cơ sở cho các mối quan hệ khác, vì thế nó rất quan trọng. Thực tế không ít trường hợp gia đình hạnh phúc, hoặc bất hạnh và điều đó để lại di chứng cho thế hệ sau cũng xuất phát từ mối quan hệ này. Nhân tiện cần nói thêm, ngay những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bất hạnh thì những thiệt thòi của chúng đã ghi vào tâm khảm - những thiệt thòi ấy, những mặc cảm ấy thường có khi cả đời chúng cũng không thể xóa được và cũng không có gì để bù đắp được! Tác giả đã từng đi tìm hiểu về số phận của những con người hư hỏng... thì thấy rằng, phần lớn đều xuất phát từ những gia đình bất hạnh. Mọi người cũng biết rằng, tình yêu là mơ mộng, nhưng hôn nhân là trách nhiệm và đây thực sự là việc chiến lược của một đời người… Với tầm quan trọng như vậy, nên Phật có dạy về 4 loại sống chung:
Đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Đê tiện nam sống chung với Thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ” (Kinh Tăng chi I)
Khi đưa ra 4 loại sống chung, Phật giảng cả một đoạn dài về vấn đề này, chủ yếu Ngài lấy Ngũ giới để làm tiêu chí cho chúng. Cuối cùng Ngài khẳng định một cuộc sống lý tưởng (Thiên nam sống chung với Thiên nữ) là cả hai người đều phải có đạo đức tốt và sống lương thiện.
Một điều đặt ra là, không phải ngay từ đầu người ta đã có phẩm chất của một Thiên nam hay Thiên nữ, mà cái này phải tu luyện, nhiều khi phải tu luyện gian khổ để trở thành lối sống và nếp sống. Như vậy, ngay trong một gia đình, tất cả mọi người chí ít cũng phải lấy Ngũ giới là tiêu chí để giữ mình. Chỉ đơn cử, không ít những trường hợp vì say rượu sinh ra những hậu quả không lường trước được như cha giết con, chồng hại vợ..., anh em chia lìa, kiện cáo lẫn nhau để rồi gia đình tan nát.
Phổ quát hơn, con người nói riêng (không phải là chúng sinh nói chung), phải biết chế ngự và đi đến từ bỏ tập khí sinh tử. Đó là tham, sân, si, nó bắt nguồn từ ái dục, cho nên ái dục là nguồn gốc của mọi đau khổ. Khái quát thì tất cả những hiện tượng gây rắc rối cho xã hội hiện nay, suy cho cùng nó từ cái tâm hữu ngã mà ra.   
Từ quan hệ vợ chồng, chúng ta có thể mở rộng đến quan hệ ông bà và cháu chắt, đồng thời nếu giữ được các giới đó thì rõ ràng, ít ra cũng có thể gọi là một gia đình hạnh phúc. Tuy chưa có điều kiện thống kê, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những gia đình có đạo (bất kể là đạo nào), thường có nếp sống đạo đức, văn hóa tốt hơn, đồng thời những vụ ly hôn, đổ vỡ... (nếu có) cũng ít hơn gấp nhiều lần so với những gia đình không có đạo. Đây là một điều cũng đáng để chúng ta suy ngẫm, phải chăng Trần Tế Xương đã hơn một lần nhận xét: “nhà kia lỗi đạo...”. 
Một điều thực tế cho thấy, hiện nay các gia đình Phật tử, ít nhiều người ta đã thực hiện có hiệu quả và thiết thực những điều Phật dạy về hạnh phúc gia đình.
Tiến sĩ Tạ Chí Hồng (Đại học Đà Lạt)